Tranh dân gian Đông Hồ đàn gà là một trong 15 bức tranh đông hồ nổi tiếng được nhiều người biết đến. Khi nhắc đến tranh đàn gà mẹ con là người ta sẽ nghĩ ngay đến dòng tranh dân gian Đông Hồ. Tại sao bức tranh đàn gà này lại nổi tiếng đến như vậy? Mời bạn xem và tìm hiểu về Ý nghĩa tranh dân gian Đông Hồ đàn gà cùng AmiA nhé.
Bài viết này, AmiA sẽ chia làm hai phần giúp các bạn dễ dàng nắm rõ nội dung:
- A. Những điều cần biết cơ bản về bức tranh đông hồ Đàn Gà mẹ con
- B. Ý nghĩa của bức tranh dân gian Đông Hồ mẹ con đàn gà.
A. Những điều cần biết cơ bản về bức tranh đông hồ Đàn Gà mẹ con.
Ở phần này là những kiến thức cơ bản, đơn giản nhưng hầu như không được để ý đến. Đôi khi các con của bạn hỏi: Mẹ ơi, tranh dân gian đông hồ đàn gà mẹ còn có tổng cộng bao nhiêu con gà?”. Lúc đó bạn mới nhận ra: “Ừ nhỉ, mẹ cũng chưa nghĩ đến thì làm sao mà trả lời giúp con”.
Đấy chỉ là một trong số rất rất nhiều điều cơ bản, mà óc quan sát của các bé mới nhận ra. Sau đây, AmiA sẽ giúp bạn nắm rõ những điều cơ bản này một cách tường tận nhất.
1. Tranh dân gian Đàn gà mẹ con có tổng cộng bao nhiêu con gà?
Tranh đàn gà mẹ con có tổng cộng 11 con gà. Trong đó, có 1 con gà mái mẹ, và 10 con gà con đang quây quần bên mẹ.
Tại sao không phải là 5 con, 6 con, 8 con hay 9 con gà trong bức tranh gà? Đây cũng là một câu hỏi rất thú vị mà con mình đã từng hỏi khi mình giới thiệu bức tranh gà cho con. Câu trả lời mình tin chắc chưa có một bài viết nào giải đáp thỏa đáng.
Theo cá nhân mình, các nghệ nhân làm tranh dân gian Đông hồ sở dĩ chọn 10 con gà:
- Thứ nhất, vì con số 10. Trong văn hóa của người Việt, số 8, số 9 là con số đại cát tức là con số thể hiện sự viên mãn tròn đầy nhưng vẫn mang ý nghĩa tiếp tục sinh sôi, nảy nở. Khi bước sang số 10 là con số đỉnh điểm của sự tròn đầy. Ở đây ý nói Gà mẹ mong hạnh phúc ngưng lại ở đó để lo cho đàn con của mình được tốt nhất.
- Thứ 2, vì bố cục trong bức tranh đàn gà. Nếu bạn để ý ở trung tâm tranh là hình ảnh gà mái mẹ. Hai gà phía trước, 2 gà phía sau, 2 gà phía trên, 2 gà phía dưới, 1 gà trong, 1 gà ngoài. Đó chính là số lượng gà hợp lý được sắp xếp tạo sự hài hòa, cân đối cho bức tranh.
Đương nhiên đây là suy nghĩ cá nhân của tác giả khi viết bài. Nên sau khi đọc bài, bạn có ý kiến gì hay, AmiA luôn sẵn sàng đón nhận để bài viết được hữu ích nhất cho bạn đọc. Hãy để lại bình luận dưới bài viết, Amia rất cảm ơn bạn vì các góp ý tích cực xây dựng.
2. Tranh đàn gà mẹ con thuộc chủ đề tranh gì trong nghề làm tranh dân gian Đông Hồ?
Tranh dân gian Đông Hồ mẹ con đàn gà thuộc chủ đề tranh chúc tụng. Trong tranh Đông Hồ sẽ chia làm các chủ đề làm tranh như: Tranh chúc tụng, tranh trào phúng châm biếm, tranh sinh hoạt, tranh tứ quý… Điều này AmiA đã nhắc đến ở bài viết 15 bức tranh dân gian Đông Hồ nổi tiếng nhắc đến ngay đầu bài viết.
Như vậy tranh đàn gà mẹ con thuộc chủ đề chúc tụng. Vì ý nghĩa của bức tranh mang tính chúc tụng. Người dân mua về tặng nhau bức tranh đàn gà chúc cho năm mới mọi điều tốt lành. Xem giải thích chi tiết ở phần B ý nghĩa của bức tranh gà.
3. Bố cục trong bức tranh dân gian Đàn Gà mẹ con là gì?
Bức tranh dân gian Đông Hồ Gà Đàn hay đàn gà mẹ con có bố cục hình chữ nhật ngang. Tranh đông hồ rất đa dạng về bố cục tranh theo kiểu hình tròn, hình vuông, hình elip, hình tam giác, hình thang, hình sin. Còn bức tranh đông hồ đàn gà được bố cục theo hình chữ nhật.
Đặc điểm của bố cục hình chữ nhật trong bức tranh đàn gà thể hiện tính quy củ, có tổ chức. Bố cục này tạo sự cân bằng có trên dưới, có trật tự trước sau. Hình ảnh đàn gà con và mẹ được sắp xếp nhịp nhàng, chặt chẽ trong khuôn chữ nhật mà không hề khô cứng. Mỗi chú gà con một vẽ toát lên sự đông đúc, đầm ấm thể hiện mong ước về cuộc sống âm no hạnh phúc, sung túc đủ đầy.
4. Các gam màu trong bức tranh đông hồ đàn gà mẹ con là gam màu nào?
Trong bức tranh đàn gà mẹ con có 4 gam màu: Đỏ, Vàng, Xanh và Viền Đen. Nhưng gam màu chủ đạo là đỏ và vàng giúp cho bức tranh đàn gà thêm rực rỡ hơn trong những ngày đầu xuân. Gam màu chủ đạo thuộc tông màu nóng tăng thêm cảm giác đông đúc, ấm áp thể hiện đúng chất “Con đàn cháu đống”.
Trên đây là những điểm cơ bản cần nắm được về bức tranh đông hồ đàn gà mẹ con. Mời bạn tiếp tục xem phần 2 ý nghĩa của bức tranh các nghệ nhân muốn gửi gắm điều gì.
B. Ý nghĩa của bức tranh dân gian Đông Hồ mẹ con đàn gà.
Tranh Đàn Gà mẹ con là hình ảnh một chú gà mẹ đang ngậm một con ong là miếng mồi. Hai chân gà mẹ giang ra chịu đựng sức nặng của hai chú gà con đứng trên lưng. Đồng thời đây cũng là tư thế chờ các con bổ nhào đến giành miếng mồi.
Xung quanh gà mẹ là 10 chú gà con ríu rít nô đùa bên mẹ rộn ràng náo nhiệt. Có chú gà đang rỉa lông ở góc phải bên dưới. Chú lại đang nấp dưới bụng mẹ, chú thì trên lưng. Có chú gà xòe cánh, choãi chân nghiêng đầu như góc trên cùng bên phải. Tất cả vừa đẹp lại rất sinh động, giàu tính nghệ thuật, được vẽ rất công phu. Tất cả đều hướng mắt về miếng mồi mẹ mang về.
1. Ý nghĩa của bức tranh Đàn gà mẹ con được hiểu như sau:
- Về nghĩa đen, ý nghĩa tranh dân gian Đông Hồ gà đàn mẹ con chính là hình ảnh “Gia đình sum vầy, hạnh phúc”. Các cụ có câu: “Nhà đông con là nhà có phúc”. Cái Phúc ấy là lộc của trời cho. Nên treo một bức tranh đàn gà trong nhà ngày Tết mang ý nghĩa mang phúc lộc về nhà. Nhà nào vợ chồng mới cưới còn mang ý nghĩa sớm có “con đàn cháu đống”.
- Về nghĩa bóng, bức tranh đông hồ đàn gà mẹ con mang ý nghĩa về: “Tình Mẫu Tử Thiêng Liêng“. Chẳng mẹ nào mà không thương con. Kiếm được miếng mồi ngon là mang về cho các con của mình chẳng bao giờ ăn luôn. Thậm chí là còn nhịn để dành cho các con. Điều này ở thời cha mẹ chúng ta là thấy rõ nhất. Bây giờ đầy đủ lương thực hơn nhưng tình yêu đó luôn hiện hữu trong bất kỳ ai khi được làm mẹ.
Ý nghĩa này thể hiện sự hy sinh tần tảo của bất kỳ người mẹ nào. Mẹ luôn nghĩ cho các con, yêu thương các con vô điều kiện. 1 mẹ có thể kiếm mồi no cho cả 10 con. Nhưng 10 con chẳng thể lo được cho 1 mẹ. Đây là điều mà ai cũng biết nhưng không phải ai cùng làm được để thay đổi quy luật đó. Do đó, hãy trân trọng và biết ơn tình yêu thiêng liêng của người mẹ nhé!
2. Về chúc tụng, ý nghĩa chúc tụng của bức tranh đông hồ đàn gà mẹ con muốn chúc:
- Thứ nhất, gia đình luôn có con đàn cháu đống. Con cháu là cái phúc, đặc biệt thời nay không dễ gì có được con cháu như xưa. Do đó, bức tranh đàn gà mẹ con vẫn được làm bức tranh chúc tụng về hạnh phúc gia đình đông con có phúc.
- Thứ 2, chúc cho gia đình vạn sự bình an, cuộc sống no đủ, sung túc, hạnh phúc. Bởi hình ảnh gà mẹ luôn cạnh con sẵn sàng xù lông, giang cánh để bảo vệ con của mình. Đó là hình tượng lý tưởng cho vạn sự bình an.
- Thứ 3, tranh gà trong tiếng Hán là “Kê” mang ý nghĩa cát tường may mắn. Nên tranh sẽ mang những vượng khí cát tường, cát lợi đến cho gia đình. Đặc biệt treo tranh vào dịp Tết.
Do đó, bức tranh dân gian Đông Hồ đàn gà mẹ con làm quà tết chúc tụng rất ý nghĩa. Xem và mua: Tranh dân gian Đông Hồ tại AmiA. Xem nhanh: Video 4 phút ý nghĩa tranh đông hồ đàn gà mẹ con tại AmiA:
Phụ lục: Ý nghĩa bức tranh gà khi xuất hiện trong thơ ca:
Bức tranh đàn gà mẹ con có xuất hiện trong các câu thơ nổi tiếng. Đôi khi con bạn sẽ hỏi bạn về ý nghĩa câu thơ đó là gì. Nên AmiA nghĩ đây là những thông tin hữu ích dành cho bạn!
1. Ý nghĩa câu thơ: “Tranh đông hồ gà lợn nét tươi trong”
Tranh đông hồ gà lợn nét tươi trong là gì? Tranh đông hồ gà lợn nét tươi trong là một câu thơ nổi tiếng trong bài thơ “Bên Kia Sông Đuống” của nhà thơ Hoàng Cầm.
Khổ thơ đầy đủ:
“Bên kia sông Đuống,
Quê hương ta lúa nếp thơm nồng,
Tranh đông hồ gà lợn nét tươi trong,
Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp”
Bài thơ này được nhà thơ Hoàng Cầm viết tại chiến khu Việt Bắc vào năm 1948, sau khi ông nghe tin quê nhà Bắc Ninh bị giặc chiếm đóng, tàn phá. Khổ thơ này thể hiện những nét đặc trưng của quê hương. Qua đó thể hiện nỗi thương nhớ dạt dào, niềm tự hào mảnh đất mẹ cha cùng tâm can xót xa, căm giận lũ quân thù đang giằng xé quê hương.
Tranh đông hồ gà lợn nét tươi trong chính là niềm tự hào về nghề làm tranh của quê hương Hoàng Cầm. Là màu sắc của dân tộc bừng sáng trên giấy điệp, trong lòng của người con quê hương. Tóm lại, đây là câu thơ nói hết nỗi lòng yêu quê hương tha thiết của nhà thơ Hoàng Cầm trước sự căm giận lũ giắc tàn phá.
Như vậy, AmiA đã vừa chia sẻ: Ý nghĩa bức tranh dân gian Đông Hồ đàn gà mẹ con. Hy vọng bài viết sẽ hữu ích dành cho bạn. Hãy để lại bình luận dưới bài viết để cùng chia sẻ và tiếp thu xây dựng tích cực nhất!
AmiA cảm ơn bạn đã xem bài viết!